Friday 20 April 2007


Thursday 11 January 2007

Chào mừng VN vào WTO

Hôm nay, các cam kết của VN với WTO có hiệu lực

Hôm nay 11/1, tại trụ sở của WTO ở Geneva, VN được công nhận là thành viên thứ 150 đồng nghĩa VN phải thực hiện các cam kết WTO của VN.

Chào mừng VN vào WTO



Từ Geneva, đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết để chào mừng VN trở thành thành viên chính thức, từ ngày 9/1, Ban thư ký WTO đã cho treo một băngrôn to rộng chiếm cả ba tầng nhà trước cửa ra vào trụ sở chính của WTO với dòng chữ “Chào mừng VN vào WTO”. Cũng từ hôm nay 11/1, các cam kết WTO của VN chính thức có hiệu lực.

“Theo tôi, ưu tiên lớn nhất là phải làm sao nhận diện thật rõ, đồng thời đánh giá kịp thời những tác động đến thị trường, hàng hóa và doanh nghiệp trong nước ngay những ngày đầu thực hiện để điều chỉnh ngay về chính sách... Trong đó, đặc biệt chú ý nguồn nhân lực có đáp ứng ngay được nhu cầu với thị trường hay không” - ông Xuân nói.

Cũng theo đại sứ Ngô Quang Xuân, sau kỳ nghỉ năm mới, tại Geneva, từ ngày 20/1 các cuộc đàm phán về vòng đàm phán Doha sẽ tiếp tục trở lại. Ngoài việc bắt đầu thực thi các cam kết về nghĩa vụ và quyền lợi của một thành viên chính thức WTO, VN cũng sẽ bắt đầu tham gia trực tiếp các vòng đàm phán này.

Cũng như những nước mới gia nhập WTO trước đây, thời gian đầu VN chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn để nắm bắt sâu sát nội dung tất cả vấn đề của vòng đàm phán và sau đó là tham gia các nhóm lợi ích trong đàm phán.

Đại sứ Ngô Quang Xuân khẳng định Cơ quan đại diện của VN tại Geneva sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong nước, nhất là các vấn đề về thủ tục, chính sách, luật pháp quốc tế...

“Phải điều chỉnh để tránh tác động”

Theo bà Nguyễn Thị Bích - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), ngành hàng dệt may sẽ bị tác động nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế, bao gồm cả quần áo may sẵn, sợi, bông... Tuy nhiên, với những mặt hàng may sẵn loại cao cấp từ Hàn Quốc, Hong Kong, châu Âu... giá có thể giảm ngay, nhưng hàng chưa chắc vào ồ ạt.

Còn các mặt hàng mỹ phẩm, đồ trang sức... hầu hết đang có thuế suất cao từ 30% trở lên nên người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ đợt cắt giảm thuế từ 11/1 với mức giảm khá cao 20-40%.

Riêng mặt hàng điện tử, giá sẽ không giảm thêm sau ngày 11-1 vì thời gian qua có đến 50% các loại linh kiện điện tử nhập khẩu VN đã hưởng thuế suất 0%, và 50% còn lại cắt giảm theo lộ trình từ nay đến ba năm nữa.

Cũng theo bà Bích, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong những ngành có cắt giảm thuế mạnh đợt này cần khẩn trương điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thị trường để tránh những tác động xấu đến quá trình sản xuất kinh doanh.

Sau WTO là các hiệp định song phương

Với tấm thẻ thành viên WTO, VN tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới qua việc tiến hành để đạt được các hiệp định thương mại song phương với các nước.

Theo thông tin từ Bộ Thương mại, ngày 14/1, đoàn đàm phán của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ làm trưởng đoàn sẽ sang Nhật Bản để đàm phán hiệp định đối tác kinh tế song phương. Nội dung đàm phán giữa hai nước chủ yếu tập trung vào việc mở rộng thị trường cho hàng hóa của hai nước.

Với VN, đây sẽ cơ hội lớn để tăng lượng hàng nông sản, thủy sản... xuất khẩu vào thị trường Nhật. Dự kiến nếu thuận lợi, đàm phán song phương giữa hai nước sẽ diễn ra trong một năm.

Năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt - Nhật đạt gần 10 tỉ USD, trong đó VN xuất siêu với gần 6 tỉ USD và mục tiêu mức kim ngạch giữa hai nước đến năm 2010 là 17 tỉ USD.

Sau Nhật Bản, dự kiến trong năm nay VN và Chile cũng sẽ khởi động đàm phán thương mại song phương.

Theo Xuân Toàn
Tuổi trẻ
--------


Hôm nay (11/1/2007), Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã đưa tin bài về việc này.





Hãng AP phản ánh: Gần 32 năm khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO và được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. "Chào mừng Việt Nam'', đó là dòng chữ trên tấm biểu ngữ lớn tại tổng hành dinh của Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva.

Kết nạp Việt Nam - một nền kinh tế tăng trưởng trung bình hơn 7%/năm trong suốt thập niên qua - là tin tức tốt đẹp với chính WTO khi đối mặt với một năm không chắc chắc về kết quả những cuộc đàm phán tự do thương mại toàn cầu.

Với Việt Nam, những điều khoản được thống nhất sau 11 năm đàm phán, đã mở cánh cửa cho tăng cường tự do thương mại và đầu tư. Nước này cũng có cơ hội mở rộng tiếp cận với thị trường nước ngoài và hưởng công bằng hơn trong các cuộc tranh chấp với những đối tác thương mại lớn hơn, mạnh hơn.

Có dân số 84 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ hai sau Nga vẫn đứng ngoài WTO. Nga cũng đã đeo đuổi chặng đường này tới hơn một thập niên và có thế còn phải mất ít nhất thêm một năm nữa. Một số nước khác đang cố gắng đàm phán gia nhập WTO gồm Algeria, Belarus, Ukraine, Azerbaijan, Lebanon, Bosnia-Herzegovina, Libya, Iraq, Serbia và Syria. Trước Việt Nam, Ảrập Xêút là nước mới nhất trở thành thành viên của WTO tháng 12/2005.

Trong hơn hai thập niên, Việt Nam đã dần dần thực hiện cải cách thị trường theo hướng tự do, giành được sự hoan nghênh của giới đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt mức kỷ lúc 10 tỉ USD năm ngoái.

Tờ Times có bài viết tiêu đề ''Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO'' nêu rõ: Khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của WTO hôm nay, nước này sẽ càng thịnh vượng hơn. Công nghiệp may mặc, thủy sản và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác mang hy vọng lớn, từ các trang trại đến những công ty bảo hiểm đầu sẵn sàng cho làn sóng mới, đối mặt với cạnh tranh nước ngoài.

Các nhà kinh tế học dự báo rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 8% trong tương lai. Theo Martin Rama, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nước này đã được hưởng lợi từ việc là thành viên của WTO thậm chí cả trước khi chính thức gia nhập. ''Nếu nhìn vào tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam năm ngoái, bạn sẽ thấy rõ thực tế này''.

Tuần này, công ty điện tử lớn nhất thế giới, Hon Hai (Đài Loan) chuyên sản xuất, cung cấp linh kiện cho iPod và một số loại điện thoại di động Nokia, đã thông báo kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam. Cuối năm trước, Intel, đại gia chíp máy tính cũng tuyên bố mức đầu tư tương tự vào một nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở miền Nam Việt Nam.

Các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đang hướng tới thị trường Việt Nam, hy vọng sẽ nắm bắt được lợi thế từ lực lượng lao động của nước này với giá nhân công rẻ hơn Ấn Độ hay Trung Quốc. Với sự đảm bảo của tư cách thành viên WTO, những vấn đề tiếp theo đều khá thuận lợi.

Ông Rama nói: ''Thật khó không lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn trung hạn, tỉ lệ tăng trưởng vẫn khá ổn định. Bảy hoặc tám phần trăm, có thể cao hơn một chút vào khoảng năm năm tới là hoàn toàn hợp lý''.

Còn BBC bình luận: 12 năm chờ đợi, Việt Nam đã gia nhập WTO. Những người ủng hộ thì khẳng định, tư cách thành viên sẽ tạo ra sự bùng nổ trong xuất khẩu, đặc biệt ở những ngành công nghiệp thực phẩm hay dệt may và thu hút đầu tư nước ngoài.

Những người phê bình thì quan ngại rằng, áp lực cạnh tranh gia tăng sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến những nhà sản xuất, công ty địa phương.

Thậm chí trước khi trở thành thành viên chính thức của WTO vào hôm nay, rất nhiều hãng nước ngoài đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam. ''Gia nhập WTO ngày 11/1 là một ngày lịch sử của đất nước'', ông Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế học Việt Nam nhấn mạnh. "Việt Nam chấp nhận gia tăng cạnh tranh, và cạnh tranh sẽ làm kinh tế sôi động hơn''.

Trong bài viết nhan đề: ''Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư khi là thành viên mới nhất của WTO'' mà DPA đăng tải, đã đánh giá: Việt Nam đặt ra mục tiêu thu hút 11 tỉ USD đầu tư nước ngoài trong năm nay. ''Tất cả mọi người đều chuẩn bị cho sự bùng nổ kinh tế'', ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng bộ Thương mại Việt Nam nói. ''Kết quả đầu tiên của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới mà chúng tôi có thể nhìn thấy năm nay là sự gia tăng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài''.

Cũng trong hôm nay, Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ sẽ trao cho Đại sứ Việt Nam tại Washington bằng công nhận ''Việt Nam là đất nước của năm 2006''.

Rất nhiều nhà đầu tư dường như cũng tán thành quyết định của Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ. Năm ngoái được coi là năm thành công nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc cải cách kinh tế 20 năm trước đây.

Tiếp theo việc Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC, tháng 11 và 12 đã chứng kiến những con số đầu tư mới, đưa tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2006 lên tới 10,2 tỉ USD - vượt xa mục tiêu 6 tỉ USD đặt ra trong năm.

Cũng dễ dàng để hiểu sức hút của Việt Nam. Đất nước này có lực lượng lao động trẻ phong phú, giáo dục tốt với 57% dân số dưới 30 tuổi, mức lương nhân công thậm chí còn thấp hơn Trung Quốc. Thêm vào đó, một số nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, thì Việt Nam có thể tự hào vì nền chính trị ổn định.

Tuy nhiên, trở thành thành viên WTO, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mới từ những công ty nước ngoài. Việt Nam buộc phải chấp thuận những điều khoản ngặt nghèo đòi hỏi mở cửa thị trường nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, phân phối bán lẻ nhanh hơn mọi thành viên trước phải làm. Ví dụ, Việt Nam phải cho phép các ngân hàng nước ngoài tiếp cận đầy đủ thị trường trong tháng 4 năm nay - chỉ bốn tháng sau khi là thành viên đầy đủ của WTO.

Trung Quốc thì có ít nhất năm năm để mở cửa thị trường ngân hàng và gần đây mới hoàn tất việc này.

Điều đó có nghĩa là những ngân hàng quốc doanh của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, thực tế tương tự sẽ xảy ra trong những ngành công nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế như bảo hiểm hay bán lẻ. Những công ty quốc doanh hay tư nhân trong nước sẽ buộc phải tăng sức cạnh tranh hơn hoặc đi tới chỗ phá sản. Tuy nhiên, những thách thức khi gia nhập WTO sẽ được bù đắp bởi quyền lợi của 84 triệu dân Việt Nam. ''Đó là cơ hội tốt cho người tiêu dùng'', Jonathon Pincus, nhà kinh tế học hàng đầu thuộc Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam cho biết. ''Họ sẽ có sự lựa chọn rộng rãi và đón nhận các sản phẩm chất lượng hơn''.

Hầu hết người dân Việt Nam đều đồng ý rằng, WTO mang lại ưu thế nhiều hơn bất lợi.

Kỳ Thư (tổng hợp)
Theo VNnet